Qua bài viết này Nhất Việt Edu xin chia sẻ với các bạn thông tin và kiến thức về Cáo tật thị chúng hay nhất được tổng hợp bởi Nhất Việt Edu nhất được tổng hợp bởi Nhất Việt Edu
(Cáo bệnh, dạy đệ tử)
(MÃN GIÁC THIỀN SƯ)
Cáo tật thị chúng là bài kệ duy nhất còn lại của Mãn Giác thiền sư, tên là Lý Trường (1052 – 1096). Ông là nhà sư có uy vọng, được vua Lý Nhân Tông cho làm chùa cạnh cung Cảnh Hưng để tiện hỏi han việc đạo và việc nước, được phong chức Nhập nội đạo tràng. “Cáo tật” là cáo bệnh, “thị chúng” : ở đây là dạy bảo các đệ tử. Đây là bài kệ biểu hiện tư tưởng nhà sư khi ốm nặng.
Kệ, tiếng Phạn là Gà thà, nghĩa là tụng, ca ngợi, nó ca ngợi thiền lý, thiền thú, thiền cảnh để dẫn dắt người ta vào con đường giác ngộ. Kệ nói chung là thể loại giáo huấn, tóm tắt diệu lý kinh bổn hay thể nghiệm của người đắc đạo nhằm mục đích “truyền đăng”, đem ánh sáng đến cho mọi người vô minh. Kệ như thế, nói chung không phải là thơ. Nhưng từ đời Đường, kệ thường được “thơ hoá”, nhà sư nói bằng hình ảnh, khêu gợi, chứ không dùng khái niệm khô khan.
Do vậy thơ kệ làm thành một bộ phận của thơ thiền, tức là dòng thơ thể hiện cảm xúc mang ý vị thiền học, nhưng vẫn đậm đà chất thơ. Bài Cáo tật thị chúng này là như vậy.
Nhan đề bài thơ rõ ràng là nhan đề bài kệ, không có vẻ gì là thơ. Nhưng nội dung thì lại khác.
Phần đầu của bài thơ tả ra cái cảnh luân hồi, biến đổi, vô thường của thế giới và nhân sinh.
Hai câu đầu là cảnh biến đổi của thiên nhiên :
Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa tươi.
Các nhà sư rất thích dùng hình ảnh hoa rụng, hoa nở để nói về cái vòng bánh xe luân hồi không ngừng chuyển động. Sự sống không phải chỉ là một khoảnh khắc trong lịch sử, mà là một vòng trong luân hồi, đời nay chỉ là một khâu của đời trước và đời sau. Cho nên nhà thơ nói hoa rụng trước như một kiếp trước, rồi nói “Xuân tới, trăm hoa tươi”, là một vòng sau, kiếp sau. Nhà thơ Hàn San đời Đường cũng có câu thơ : “Hoa lạc phục hoa khai” – Hoa rụng lại hoa nở chính là ý đó. Nếu nói hoa nở rồi hoa tàn thì chỉ mới nói được có một kiếp trong một vòng.
Hai câu tiếp theo nói đến việc người :
Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi.
Có thể dịch ý cụ thể hơn :
Trước mắt sự việc đuổi nhau qua
Cái già đến từ trên đầu.
Câu thơ truyền đạt cảm giác thời gian trôi nhanh đến chóng mặt, bất ngờ. Khi con người ta mải theo dõi sự việc theo nhau qua trước mắt thì cái già đã đến trên đầu tự lúc nào rồi ! Hai câu này so với hai câu đầu tự tạo thành một sự tương phản : hoa rụng có ngày lại nở, người già đâu có lúc lại trẻ trung ? Như vậy cuộc đời đáng buồn quá, con người bị đẩy tới một thái cực của khổ đau, bế tắc, buộc phải giải quyết về tư tưởng thì mới thanh thản được. Hai câu kết của bài thơ đã đưa ra cách giải thoát :
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước, một cành mai
Hai câu này có tính chất lật ngược cái thế suy nghĩ của bốn câu trên, nhưng lật ngược theo một ý nghĩa sâu, không phải bề ngoài. Hai câu đầu bài thơ đã nói tới “trăm hoa rụng”, rồi nói “trăm hoa nở” – Chữ “trăm” đây là ước số, nói số nhiều, như “bách gia chư tử”, “bách gia tính” (trăm họ), “bách chiến bách thắng”. Và khi hai chữ bách đi sóng đôi như “bách chiến bách thắng” thì có nghĩa là tất cả. Như vậy thì hai câu đầu đã hàm ý nói hoa rụng hết rồi, một trăm phần trăm rồi, có hoa nào mà không rụng ?
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Có nghĩa rằng “hoa rụng hết” kia chỉ là bề ngoài. Đừng chấp pháp, suy nghĩ theo hiện tượng bề ngoài. Muốn được tĩnh tâm thì hãy phá cái “pháp” đó đi. Nghĩa là mọi sự đổi thay, sinh diệt kia đều là bề ngoài, đừng “bảo” theo bề ngoài. Ngoài cái biến ảo đó còn có một chân như bất hoại nữa, nó không sinh, không diệt, không gia không giảm, không sạch không bẩn. Nó là vĩnh hằng, là “Phật tính” của muôn vật. Vậy chân như ở đâu ?
Đêm qua trước sân một cành mai nở.
Chân như là điều không thể thấy được. Nó chỉ có thể nghiệm được, chứng được mà thôi. Để dẫn đến chứng được, thì nhà thiền phải gợi dẫn. Ví như thiền sư Hoài Nhượng ở Nam Nhạc thấy Mã Tổ ngày ngày chăm chỉ ngồi thiền, ai hỏi cũng không đáp, ông bèn đem gạch ra mài bên cạnh. Mã Tổ lúc đầu không chú ý. Sau thấy Hoài Nhượng ngày nào cũng mài gạch, mới lấy làm lạ mà hỏi : “Mài gạch làm gì ?”. Hoài Nhượng đáp : “Làm gương soi”. Mã Tổ hỏi lại : “Mài gạch mà làm được gương soi hay sao ?”. Hoài Nhượng mới nhân đó gợi dẫn : “Vậy ngồi thiền thì thành Phật sao ?”, thế là đẩy Mã Tổ vào chỗ phải tự nhận thức lại.
Cành mai ở đây cũng có ý nghĩa và chức năng gợi dẫn như vậy. Hoa mai là loài hoa chịu rét. Mai nở từ cuối mùa đông, trong tuyết lạnh mai vẫn nở báo hiệu cho mùa xuân đến. Đó là hoa tượng trưng cho sắc đẹp tinh khiết, trong trắng giữa một môi trường khắc nghiệt, tượng trưng cho sức sống bền vững giữa mùa hoa cỏ điêu linh. Nhà thơ Tề Kỷ, cũng là nhà sư đời Đường có bài Tảo mai (Mai nở sớm) có mấy câu tạm dịch như sau :
Muôn cây cóng muốn rụi
Rễ mai riêng ấm lành
Trước thôn trong tuyết ngập
Đêm qua nở một cành.
Xem thêm: Số nguyên tố là gì? Tính chất, bảng số nguyên tố và lấy ví dụ?
Câu thơ của Mãn Giác có thể là có vay mượn ở đây. Nhưng ý của Tề Kỷ là mai nở sớm, còn ý của Mãn Giác là mai vẫn nở khi trăm hoa rụng. Hoa mai của Tề Kỷ là hoa mai thật, hoa mai của Mãn Giác là tượng trưng. Đó không phải là đoá hoa còn lại sau khi “xuân tàn hoa rụng hết”, cũng không phải là hoa nở sớm trước các loài hoa và trước các cành mai khác. Ở đây sớm, muộn không có ý nghĩa gì. Bởi đây là cành mai nằm ngoài thời gian, ngoài luân hồi, tượng trưng cho một thế giới bất diệt, vĩnh hằng, tựa như hoa mai trong tuyết dày vẫn sống. Trong đạo Thiền, hoa là biểu tượng cho vô thường, vô ngã và niết bàn. Khi Đức Phật chỉ cho Ca Diếp xem bông hoa thì hoa là sự hoàn thiện cần đạt tới, hoa là sự giác ngộ. Nhìn cành mai kia có thể thấy được có một thiền tâm bất hoại, bất biến, mà ai giác ngộ thì đều được. Xuân tàn hoa rụng hết là lời của người thường, của chúng sinh. Xuân tàn hoa vẫn nở là lời của người đắc đạo.
Đề bài Cáo tật thị chúng không biết được ghi vào năm nào trong cuộc đời 44 tuổi của thiền sư, nhưng chắc chắn là vào lúc đau yếu, bệnh tật đe dọa tính mệnh. Bài thơ thể hiện một tâm hồn bình thản trước bệnh, tử, già, không hề buồn sợ, xót đau. Đó là tâm hồn đại giác.
Hình ảnh cành mai vừa biểu hiện cho phật tính vĩnh hằng, vừa biểu hiện khí cốt con người trong trẻo, thanh cao. Cho dù sự luân hồi của con người là mờ mịt, giống như nhà sư Hàn San nói : “Chỉ có khách chín suối, âm phủ mãi không về”, thì cành mai cũng là tượng trưng cho một nhân cách bất diệt. Hình ảnh bài thơ đẹp, song hoàn toàn không phải cái đẹp cảm tính bề ngoài, mà là một vẻ đẹp của tư tưởng, lý tưởng siêu thoát, vẻ đẹp của sự siêu việt cảm giác, tự giác, có tác dụng nâng cao con người lên trên sự thông tục, phàm tục.
HƯU HƯỚNG NHƯ LAI
(Đừng theo bước Như Lai)
(QUẢNG NGHIÊM THIỀN SƯ)
Hưu hướng Như Lai là bài kệ duy nhất còn lại của Quảng Nghiêm thiền sư (1121 – 1190). Ông người vùng Đan Phượng, thuộc Hà Tây ngày nay. Ông là nhà sư thuộc thế hệ thứ 11 dòng thiền Quan Bích, từng tu ở chùa Thánh Ân (Siêu Loại), chùa Tịnh Quả.
Bài thơ có bốn câu, đầu đề do soạn giả Thơ văn Lý – Trần, tập một đặt.
Bản dịch :
Thoát tịch diệt xong, bàn tịch diệt
Sau vô sinh hãy nói vô sinh
Làm trai lập chí xông trời thẳm
Chớ hướng Như Lai đặt bước mình.
Đây là bài kệ nói về thiền lý và ý chí, thái độ tích cực tìm đường giải thoát chủ động, sáng tạo của thiền học Việt Nam thời Lý – Trần.
Mở đầu bài kệ nhà sư nói về tư cách của người thuyết giáo đạo Phật. Đó phải là người đã qua thực tiễn, có trải nghiệm về Niết bàn mới có thể nói về Niết bàn được.
Trong hai câu thơ đầu đều nhắc đến các từ “tịch diệt” và “vô sinh”. Đó là các từ chữ Hán dùng để dịch tiếng Phạn Nirvana, là “Niết bàn”. Nghĩa đen của Nirvana là loại bỏ, dịch thành “tịch diệt”, tức là tĩnh lặng, chết lặng, hoặc “vô sinh”, “vô vi”. Bởi vì “vô sinh” tức “vô diệt”. Thiền tông chủ trương “vô sinh”, mà đã “vô sinh” thì không có ngã, vô ngã, mà vô ngã thì không còn khổ đau nữa. “Vô ngã” tiếng Phạn là Anâtman, là một trong những tư tưởng căn bản của Phật học, nhằm phủ nhận sự tồn tại của vật tự thân có tính vật chất (“ngã”). Có hai loại vô ngã : một là “nhân vô ngã”, tức là con người không có tính chủ thể, nó chỉ là do kết hợp của các yếu tố như sắc, thụ, tưởng, hành, thức mà thành. Hai là “pháp vô ngã”, tức mọi sự vật trong thế giới cũng đều do vô vàn nguyên nhân tạo thành, và do đó mà luôn luôn biến ảo, khó thành cái gì cố định. Phật giáo tiểu thừa chỉ nói “nhân vô ngã”, còn đại thừa thì chủ trương cả hai loại vô ngã ấy.
Để đạt tới cõi vô sinh, tịch diệt của Niết bàn thì Thiền tông chủ trương không hướng ngoại cầu huyền tức cầu điều thần kỳ huyền diệu, mà hướng nội khám phá chân tính để đạt tới trạng thái hoàn toàn yên tĩnh (tịch diệt). Cách tu hành tầm chương trích điển, giới luật nghiêm ngặt, khổ hạnh đã nhường chỗ cho đời sống tự nhiên đầy sinh thú. Nhà sư Huệ Năng đời Đường đã chế giễu những ai vọng ngoại sang Tây Trúc. Ông nói : “Nếu ai cũng tu để sang Tây Trúc thì ở đấy chỗ đâu mà ở ?!”. Điều đó có nghĩa là muốn tu hành hướng nội để cầu đốn ngộ thì mỗi người có chí phải tự tìm riêng cho mình một con đường. Sách Chính đại tạng truyện Huệ Chiếu thiền sư ở Lâm Tế chép rằng khi trả lời câu hỏi của đệ tử : “Nếu kinh không xem, thiền không học thì tu như thế nào ?”, Huệ Chiếu đáp : “Hãy tự làm Phật tổ”. Do đó những ai tu theo con đường của người khác đã tu thì khó lòng đốn ngộ. Tất cả phải tự mình.
Hai câu thơ cuối chính là nói theo tinh thần đó :
Làm trai có chí xông trời thẳm
Chớ hướng Như Lai đặt bước mình.
Câu thơ khích lệ một tinh thần tự chủ, tự lập trên con đường đốn ngộ, chống lại mọi giáo điều xơ cứng. Chính Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung trong bài Phật tâm ca cũng viết :
Tỉnh tỉnh, thức thức, tỉnh tỉnh
Bàn chân dẫm đất đứng chông chênh
Ai người tin tưởng ở nơi đây ?
Bước trên đầu Phật, trèo lên đỉnh.
Muốn được trèo lên đỉnh giác ngộ thì không phải bước theo vết chân Phật mà bước trên đầu Phật ! Mới nghe thì thật lạ lùng, nhưng đó chính là tư tưởng của Thiền tông. Đây là sự kết hợp giữa ý thức của tầng lớp trí thức quý tộc muốn lập chí, tự khẳng định, với ý thức tự do tự tại của Thiền tông.
Câu thơ cũng ít nhiều thể hiện tinh thần thời đại của nước Đại Việt trên con đường độc lập, tự chủ. Nếu ai đó hiểu rằng vì tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc lên cao đã làm cho nhà sư coi thường giáo điều nhà Phật thì là một nhầm lẫn cực đoan không nên có.
Quả vậy, tinh thần của Thiền tông là “phá ngã pháp lưỡng chấp” để đạt tới đại giác. Do vậy nếu chấp nê vào giáo lý thì cũng tức là chấp niệm, là trái với tinh thần “vô niệm” của Thiền tông. Ta hãy nghe Tuyên Giám thiền sư trong Ngũ đăng hội nguyên nói : “Ở đây vô tổ, vô Phật, Đạt ma là lão càn quấy, Thích Ca là chày giã cứt khô, Văn Thù là gã gánh phân. (Các khái niệm) đẳng giác, diệu giác là bọn phàm phu phá chấp ; bồ đề, Niết bàn là cọc buộc lừa, tất cả đều là sách của quỷ thần, là giấy lau mụn nhọt, tứ quả tam hiền, sơ tâm thập địa đều là quỷ giữ mồ, không tự cứu được”. Hiểu được tinh thần này thì sẽ thấy bài thơ của Quảng Nghiêm thiền sư đã thể hiện sâu sắc tinh thần của Thiền tông. Bởi “theo vết Như Lai” tức là “chấp Như Lai”, mà đã “chấp” như thế thì làm sao mà giác ngộ được ?
NGÔN HOÀI
(Tỏ lòng)
Xem thêm: 50 bài toán về tích vô hướng và tích có hướng của hai vectơ (có đáp
(KHÔNG LỘ THIỀN SƯ)
Thời gian gần đây trong chương trình văn học các lớp 9, 10, của trường trung học đã có chọn cho học sinh học một số bài thơ thiền như Ngôn hoài (Tỏ lòng), Ngư nhàn (Cái nhàn của nhà thuyền chài) của Không Lộ thiền sư, Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Mãn Giác thiền sư. Đó là một bước tiến bộ làm cho học sinh được tiếp xúc với các hiện tượng văn học đa dạng mang nội dung văn hóa nhiều màu vẻ của dân tộc.
Nhưng có điều đáng băn khoăn là thơ thiền lại được giảng như thơ trần tục, như thơ yêu quê hương đất nước, như thơ nói chí của nhà nho. Kết quả là giảm đi một vẻ đa dạng lẽ ra cần được tìm hiểu và ghi nhận. Tìm hiểu thơ thiền là một việc không đơn giản. Bài này chỉ xin nêu đôi điều suy nghĩ về bài Ngôn hoài của Không Lộ để các bạn đồng nghiệp cùng tham khảo. Khiếm khuyết chắc là khó tránh song vấn đề không thể không nêu ra.
Bài Ngôn hoài hiện còn tồn tại hai vấn đề : một là quyền tác giả của văn bản, hai là giải thích hình ảnh biểu trưng.
Mấy năm gần đây, một số ý kiến hoài nghi quyền tác giả của Không Lộ do phát hiện thấy chỗ giống nhau với bài thơ của Thích sử Lý Cao làm nhân nghe câu chuyện về tiếng cười trên đỉnh núi của nhà sư Duy Nghiễm (751-834), được chép trong Cảnh đức truyền đăng lục. Bài thơ đó như sau :
Tuyển đắc u cư hiệp dã tình,
Chung niên vô tống diệc vô nghinh.
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,
Nguyệt hạ phi vân tiếu nhất thanh.
Dịch :
Chọn nơi vắng vẻ hợp lòng quê,
Năm trọn không ai đến hay về.
Có khi lên thẳng trên đỉnh núi,
Rẽ mây dưới nguyệt tiếng cười hề (1).
Bài thơ của Không Lộ như sau :
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Dịch :
Kiểu đất long xà chọn được nơi,
Tình quê nào chán suốt ngày vui.
Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng,
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời(2).
(PHAN VÕ dịch)
Có người nêu vấn đề có phải Không Lộ chịu ảnh hưởng của Lý Cao hay ai đó đã sửa lại bài thơ của Lý Cao rồi gán cho Không Lộ ?(3). Những vấn đề văn bản học loại này dĩ nhiên là cần được tìm tòi giải quyết, giống như vấn đề văn bản đặt ra cho một số sáng tác của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v… Mặt khác, cũng nên lưu ý thói quen tập cổ trong thơ văn trung đại. Các trường hợp sáng tác trên cơ sở sử dụng lại có biến đổi ít nhiều các câu thơ, ý thơ, cốt truyện của người trước khá phổ biến. Ở Trung Quốc, trong thơ Đào Uyên Minh, Tô Đông Pha, Vương Sĩ Trinh… đều có thể tìm thấy ví dụ. Ở ta, Chinh phụ ngâm khúc và Truyện Kiều là ví dụ điển hình. Ngay như thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh cũng còn theo truyền thống này, không hiếm trường hợp sử dụng câu sẵn rồi biến đổi.
Trường hợp bài thơ của Không Lộ có câu thứ ba giống hệt, câu một và câu hai ý thơ gần gũi, từ ngữ cũng có chỗ tương tự với bài thơ Lý Cao, người đời Đường, học trò và là bạn của Hàn Dũ. Nhưng câu thứ tư thì gần như thoát phàm, gây ấn tượng mạnh mẽ hơn hẳn câu thơ Lý Cao. Bài thơ Lý Cao chỉ giản đơn ghi lại một sự việc có thật của thiền sư Duy Nghiễm : “Một hôm sư lên núi đi kinh hành, chợt mây tan thấy trăng sáng, sư cười to một tiếng, vang xa gần chín mươi dặm. Dân chúng ở xa nghe tiếng, hôm sau tìm đến hỏi tăng chúng. Tăng chúng bảo : “Đó là tiếng của Hòa thượng đêm qua ở trên núi cười”(1)“. Đem việc này so bài thơ của Lý Cao có thể thấy câu cuối của bài thơ chưa lột tả được tiếng cười của Duy Nghiễm. Bài thơ của Không Lộ không miêu tả sự việc mà trả lời đệ tử. Đó thực là bài kệ truyền tâm pháp và có ý riêng. Vấn đề này lại liên quan tới việc giải thích nội dung bài thơ.
Trong một số tài liệu chính thức hướng dẫn giảng dạy, nội dung bài thơ này được xác định ở hai ý, thể hiện ở “sự kết hợp giữa niềm vui về hạnh phúc trần thế với khát vọng hòa nhập cùng vũ trụ bao la”. Thứ nhất là tình yêu quê hương đất nước, nhất là với đất nước nông nghiệp thường được bắt đầu từ nguồn vui “thú quê” chung đó. Thứ hai là khát vọng vươn tới trời đất vũ trụ bao la như một nhu cầu nhân văn cao đẹp. Nhà sư đang vui nỗi vui trần thế, bỗng nhiên lên đỉnh núi cao trơ trọi, kêu vang một tiếng làm lạnh cả bầu trời. Ở đây đã trèo là trèo lên thẳng một mạch, không chút rụt rè. Đã lên cao là lên cao không lưng chừng. Và chỉ một tiếng kêu vang là đủ làm cho cả vũ trụ bao la kia kinh ngạc đến rùng mình, ớn lạnh(1). Theo cách giải thích này thì thú quê là thú quê thật, leo núi là leo núi thật, cả bài như một bức tranh tả thực, và tư thế hiên ngang chinh phục vũ trụ được hiểu khá rõ, làm liên tưởng đến hình tượng thần thoại giải thích tự nhiên, đến Đam San, hoặc làm nhớ tới chí khí nhà nho như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát.
Cách hiểu này có thể chấp nhận được, nếu bài thơ được làm vào thời ý thức Nho giáo thịnh hành. Nhưng đối với đầu thế kỷ XII, đạo Phật rất thịnh, thì cách hiểu này lại có cái gì chưa thỏa đáng. Bởi người tu thiền đâu có chí chinh phục tự nhiên, giải thích vũ trụ ? Thêm nữa tu thiền là để được giải thoát khỏi cõi trần bể khổ này, mà lý tưởng tối cao là đạt tới cõi “vật ngã lưỡng vong”, chứ đâu phải hưởng thú vui trần thế ? Phải chăng Không Lộ đã có lúc hoàn tục ? Thiền tông dạy có nghi mới có ngộ. Đại nghi thì đại ngộ, tiểu nghi thì tiểu ngộ, bất nghi thì bất ngộ. Mối nghi ngờ trên khiến chúng tôi đọc lại Thiền uyển tập anh. Sách ấy cho biết Không Lộ họ Dương, mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề theo tu hành đạo Phật. Khoảng năm niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh đời Lý Thánh Tông “sư cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du cõi ngoài, giấu kín tông tích, đến chùa Hà Trạch ăn rau, mặc lá, quên cả thân mình, dứt hết mọi điều mong muốn, một lòng chuyên chú tu tập thiền định. Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng, thông tỏ, bay lên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được. Sau sư về bản quận dựng chùa trụ trì”(2). Như vậy Không Lộ là một vị sư chân tu, đắc đạo, chẳng những đã dứt hết mọi điều mong muốn, mà còn đạt tới được sự tự giải thoát, tự do, tự tại tới mức thần thông. Bài thơ này theo Thiền uyển tập anh là bài kệ nhà sư dùng để trả lời một đệ tử hầu hạ ông nhưng chưa được đắc đạo. Đệ tử ấy đọc bài kệ, dịch ra như sau :
Rèn luyện thân tâm tựa nước thanh,
Xem thêm: Xem hình xăm 3d mới nhất hiện nay – hinh xam dep
Sân thênh cổ thụ tỏa sum cành.
Có người thỉnh giáo tâm pháp Phật,
Lưng dựa bình phong, bóng tựa hình.(1)
Rõ ràng đây là bài kệ của người đệ tử “thỉnh giáo tâm pháp Phật” và đang dựa bình phong chờ được trả lời. Không Lộ đã cười lớn và đọc bài kệ nói trên. Ngôn hoài có lẽ là đầu đề do người sau, có thể là nhà nho, thêm vào. Chi tiết này cần được chú ý. Bởi vì tuy gọi là “Ngôn hoài”, đây chỉ là bài kệ truyền tâm yếu cho đệ tử, chứ không phải là bài thơ trữ tình theo kiểu bài thơ tức cảnh hay tức sự. Vì vậy, thiết nghĩ tất cả hình ảnh trong bài thơ kệ này đều là ẩn dụ, ám thị một thiền lý thâm thúy mà nhà sư muốn truyền cho đệ tử.
“Đất long xà” theo từ điển Từ nguyên, trước nghĩa là đất có thể dung thân, sau chuyển thành nơi ở ẩn(2). Nhưng đối với nhà sư, đó không hẳn chỉ là nơi lánh đời mà còn là nơi tu luyện với đạo. Câu thơ có ý vị điền viên, nhưng thiết nghĩ là hình ảnh ẩn dụ chỉ việc chọn được đất vắng vẻ, thích hợp với việc tập thiền, tu Phật.
Ý câu thứ ba ai cũng thấy là bất ngờ đến kỳ lạ. Đang vui thú như thế sao lại có lúc lên thẳng trên đỉnh núi trơ trọi mà kêu vang một tiếng làm lạnh cả trời ? Lại nữa, tại sao ba câu kia đều có sự thay đổi, riêng câu này lại giữ nguyên ? Hẳn phải có một nguyên nhân đặc biệt để không được thay đổi. Đọc sách về các thiền sư ta thường bắt gặp những câu đối thoại kỳ lạ, khác thường. Đáp lại những câu hỏi của đệ tử, các sư phụ thường quát, chửi, đánh, hoặc trả lời những câu mà bề ngoài như chẳng dính dáng gì tới câu hỏi. Đó là cách mà các thiền sư dùng để cắt đứt những câu hỏi suy lý, đập nát mạch lôgíc của tư duy để mở đường cho đệ tử đi vào tư duy trực giác nhằm đạt tới đốn ngộ. Ở đây không phải là trường hợp như thế. Nhưng cái thời khắc “có lúc lên thẳng đỉnh núi cao trơ trọi” chính là thời khắc đốn ngộ. Đốn ngộ thuần túy là một sự thể nghiệm tâm linh cá nhân, lúc tâm linh được giải thoát. Đại chu thiền sư ngữ lục viết : “Cầu mong được giải thoát chỉ có một cửa là đốn ngộ. Đốn là lập tức bài trừ vọng niệm (thường tình), còn ngộ là nhận ra tất cả đều không vô”. Thành quả cao nhất, cái cõi tối cao mà đốn ngộ mang đến là một sự không vô tịch mịch, trống vắng, khi con người đắc đạo. Người được đốn ngộ không chinh phục gì, không đi đâu cả, mà chỉ nhờ trực giác để ở được vào một cõi khác hẳn trần tục, hòa nhập vào cái đại ngã của vũ trụ(1).
Trong bài kệ này có thể hoàn toàn không có chuyện leo núi nào hết. “Lên thẳng” ở đây là hình ảnh của đốn ngộ, xảy ra chốc lát, như ánh chớp. “Đỉnh núi cao trơ trọi” đây thuần túy chỉ là ẩn dụ chỉ thế giới không vô, chứ không phải một hòn núi có thực nào. Theo thiền sư Trung Hoa Nghĩa Huyền ở Lâm Tế nói trong sách Cổ tôn túc ngữ lục, quyển 4, thì hình ảnh “đỉnh núi cao trơ trọi” (cô phong đỉnh) có một ý nghĩa đặc biệt. Ông nói : “Một người mà ở vào đỉnh núi cao chót vót trơ trọi thì không còn có chỗ nào để bước ra nữa. Một người mà đứng ở ngã tư đường thì cũng không còn chỗ nào mà quay lưng nữa, bởi biết đâu là trước, đâu là sau ?”(2). Đỉnh núi trơ trọi và ngã tư đường đều là biểu tượng của cõi không vô, bốn bề trống vắng, tịch mịch mà con người đốn ngộ đạt tới. Cõi ấy là một tâm trạng yên lặng, xuất thế, ly khai với mọi biến động của thế gian, hiện tượng, không trước, không sau, không đông tây nam bắc gì nữa !
Nghĩa Huyền là nhà sư Trung Hoa tịch năm 867, sau nhà sư Duy Nghiễm 33 năm, và tịch trước Không Lộ 252 năm. Rất có thể là Nghĩa Huyền đã lý giải biểu tượng của Duy Nghiễm và biểu tượng đó được Không Lộ tiếp nhận, sử dụng để biểu hiện trạng thái đốn ngộ. Phải chăng đây chính là lý do buộc phải giữ nguyên câu thơ này ?
Về điểm này có thể tham khảo thêm một số tư liệu khác. Trong Ngũ đăng hội nguyên quyển 11 có một đoạn đối đáp :
Hỏi : Thế nào là người ở một mình trên đỉnh núi cao trơ trọi (độc túc cô phong đỉnh) ?
Đáp : Mặt trời sáng nửa đêm, gõ canh ba lúc đúng ngọ.
Ở đây cô phong đỉnh là một thế giới khác với trần tục, ở đó thời gian không tồn tại nữa, ngày là đêm, đêm là ngày, không sai biệt.
Nhà thơ Hàn San có câu :
Cao cao trên đỉnh núi,
Nhìn quanh cực vô biên.
Một mình không ai biết,
Riêng trăng chiếu suối hàn.
Nhà thơ Lâm Tư trong bài thơ Vọng Cữu hoa sơn có câu :
Làm sao độc chiếm xích trăm trượng,
Lên thẳng đỉnh cao bỏ mối phàm.
Họa sĩ Vương Khản (Tống) có bài thơ Đề bức vẽ trên quạt như sau :
Cầu vắng ít người đi,
Rừng lặng gió thung nhàn.
Ai hay đỉnh trơ trọi,
Vũ trụ rộng thênh thang.
Rõ ràng đương thời cô phong đỉnh có ý nghĩa biểu trưng là thế giới vô biên, không vô, thoát tục, thống nhất với biểu trưng mà Nghĩa Huyền đã hiểu ở trên.
Chữ “thái hư” trong câu cuối bài thơ thường được dịch là bầu trời, trời. Nhưng dịch như vậy là không sát. Người thông thường không ai hiểu trời, bầu trời là chốn không vô cả. Cõi thái hư này là một thế giới của nhà Phật mà chỉ kẻ đắc đạo mới có thể đạt đến. Hòa thượng Thích Thanh Từ cho biết Phật tính nơi mỗi người hoàn toàn giống như thái hư (viên đồng thái hư) (Xem : Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải). Thái hư là cái thể đồng của con người và vạn vật. Ở đó một tiếng cười của sư Duy Nghiễm có thể vang xa chín mươi dặm, Không Lộ có thể bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, và một tiếng kêu vang có thể làm lạnh cả cõi ấy. Theo cách giải thích của một nhà thiền học, khi đốn ngộ, con người đã ở nơi cực điểm, như đứng trên chót núi, không còn phân biệt đông tây nam bắc, không phân biệt trước sau, bên phải bên trái, ta và vật, quá khứ và hiện tại. Cái duy nhất phân biệt là ở bản tâm. Cái tiếng kêu dài làm lạnh cõi thái hư ấy là dấu hiệu hòa nhập ta và thế giới, thế giới và ta.
Vậy là có thể hiểu, với bài kệ này Không Lộ thiền sư muốn bảo với đệ tử : chọn được đất long xà, đây là chọn được đất tu hành, có thể thỏa tình an tâm với đạo, rồi sẽ có lúc được đốn ngộ, lúc ấy ta – vật hòa đồng, làm chủ cõi không – vô. Bài thơ kệ khẳng định lý tưởng đốn ngộ, củng cố niềm tin cho người tu hành. Đối với mọi người bài thơ kệ thể hiện một niềm vui thoát tục, siêu phàm, hé mở cho ta thấy một thế giới tâm linh trung đại. Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận nhận xét đây là bài có “ý thơ siêu thoát trầm hùng ít thấy”. Học thơ thiền không có nghĩa là học đạo thiền, vả đạo thiền đâu có dễ học. Nhưng học thơ thiền cho ta cơ hội tiếp xúc với những giấc mơ giải thoát bể khổ của con người, những tâm hồn trong trẻo.
Nhìn bề ngoài, bài kệ này có những hình ảnh chẳng khác gì với các bài thơ thông thường. Nhưng điều đặc biệt là chúng không nói gì về cái thế giới vật thể thực tại. Các hình ảnh ấy mang một ý nghĩa riêng trong giới thiền sư. Thiền tông Trung Hoa có một câu chuyện nổi tiếng. Thiền sư Hoài Tín nói : “Sư già này 30 năm nay, khi mới tham thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước, đến về sau tự mình nhận thức, có được chỗ thâm nhập, thấy núi không phải núi, thấy nước không phải nước, thế mà nay có được một nơi an thân, lại vẫn thấy núi là núi, thấy nước là nước”(1). Ở đây ý nghĩa của núi và nước ở các lần thấy đều khác nhau. Khi chưa nhập thiền, núi và nước được thấy theo con mắt trần tục. Khi mới nhập thiền thế giới trần tục bị phủ định : núi không phải núi, nước không phải nước. Khi đã tĩnh tâm, mắt đã thoát tục thì núi, nước vẫn như xưa, mà ý nghĩa đã khác xưa, chúng vô sắc tướng và không còn làm loạn tâm. Thế giới thơ thiền là một thế giới của các biểu tượng hư ảo mà các ý nghĩa nhân sinh thông thường của chúng đã được cải tạo để mang ý nghĩa mới, đặc thù.
Ý nghĩa biểu trưng của bài thơ Ngôn hoài cho thấy không nên hiểu thơ thiền như thơ thông thường. Bộ môn giảng văn trong nhà trường còn phải khắc phục phương pháp suy diễn giản đơn, dễ dãi để có ý thức khám phá cái mã văn hóa đa dạng đằng sau các hình tượng nghệ thuật.
Bản quyền nội dung thuộc Nhất Việt Edu
Bài viết liên quan