Dưới đây là danh sách Xây dựng văn hoá nhà trường hot nhất hiện nay được bình chọn bởi người dùng
Trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo hiện nay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, việc tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện tiến đến mục tiêu “Trường học hạnh phúc – Thày cô hạnh phúc – Học sinh hạnh phúc” không chỉ là đích đến mà còn là khát vọng của toàn xã hội. Xây dựng văn hóa nhà trường (VHNT) hướng tới trường học hạnh phúc (THHP) là một nội dung quan trọng, phản ánh quá trình tạo lập, duy trì và lan tỏa các giá trị cốt lõi của mỗi cơ sở giáo dục, hướng tới trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ cho người học.
1. Quan niệm chung về xây dựng VHNT hướng tới THHP
VHNT là một khái niệm mới xuất hiện gần đây, nhưng nội hàm của nó đã được đề cập đến từ lâu. Nguyễn Hữu Thiệp quan niệm: “VHNT là một tập hợp các chuẩn mực, giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử đặc trưng của một trường học, biểu hiện trước hết trong tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý, bầu không khí tâm lý thể hiện thành hệ thống các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử được xem là tốt đẹp và được mỗi người trong nhà trường chấp nhận” (1). Các giá trị VHNT được sàng lọc, tích lũy theo thời gian và được các thành viên nhà trường thừa nhận.
Nghiên cứu về phương thức hình thành VHNT, Trần Hồng Quân khẳng định: “mỗi nhà trường cần nhận thức rõ bản chất của văn hóa trường mình; đồng thời, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa ở một nhà trường phải là việc làm lâu dài, có chủ đích rõ ràng và tiếp nối của các chủ thể quản lý cùng sự thống nhất, đồng thuận của tập thể sư phạm” (2). Xây dựng VHNT hướng tới THHP là quá trình tác động của chủ thể quản lý đến các đối tượng quản lý nhằm kế thừa, hình thành, tạo lập, duy trì phát triển các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần phù hợp, tốt đẹp của nhà trường, nhằm hướng tới các tiêu chí cơ bản sau:
Trường học có tình yêu thương: là nơi mà thày cô, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc. Đó là nơi mà các thày cô tìm được niềm đam mê, nhiệt huyết giảng dạy của mình và tích cực đưa ra các phương pháp dạy học chủ động, sáng tạo, luôn hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập, thiết lập được mối quan hệ thân thiết, gắn bó và chia sẻ với học sinh. Trường học có tình yêu thương và hạnh phúc là nơi học sinh có hứng thú với những giờ học, hứng thú với thời gian học tập, sinh học tại trường. Không có áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, được thỏa sức vui đùa, hòa đồng với bạn bè.
Trường học an toàn: là nơi không có bạo lực học đường, không có những vụ đánh nhau, xô xát, bắt nạt giữa học sinh, không có những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ở đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được đảm bảo sức khỏe thể chất và tâm lý.
Trường học có sự tôn trọng: ở đó không có những hành vi, lời lẽ vi phạm đạo đức xã hội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà giáo. Đặc biệt, đó là nơi phải biết tôn trọng sự khác biệt, không áp đặt quan điểm cá nhân lên cái chung của tập thể. Trong ngôi trường đó, mọi thành viên đều có cơ hội để phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, không có ai bị bỏ lại phía sau, tất cả cùng thay đổi và tiến bộ.
2. Thực trạng xây dựng VHNT hướng tới THHP
Những thành tựu đạt được
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chủ trương xây dựng mô hình: “Trường học hạnh phúc – Thày cô hạnh phúc – Học sinh hạnh phúc” với hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục là hạnh phúc và chất lượng. Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình THHP được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm vào tháng 4-2018 ở một số trường học tại thành phố Huế, triển khai chính thức từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước.
Xem thêm: Đề kiểm tra 1 tiết môn Vật lý 7 học kì 1 có đáp án – Thư viện Đề Thi
Ngày 22-4-2019, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một THHP với thông điệp: “Các cán bộ quản lý, các thày cô giáo hãy thay đổi để hướng đến môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với giá trị cốt lõi: “Yêu thương, an toàn và tôn trọng”. Đó là THHP – kết quả được tạo bởi các hành vi ứng xử chuẩn mực của những thày cô có đạo đức trong sáng, lòng yêu nghề và sự tận tâm tận lực với học sinh, tâm huyết với sự nghiệp trồng người” (3).
Xây dựng THHP là mục tiêu lớn nhất của các nhà trường, do đó, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của ngành Giáo dục, các trường học đã chủ trương triển khai thực hiện những tiêu chí của THHP đến tất cả mọi cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đích đến cuối cùng của giáo dục chính là tạo cho các em học sinh, thế hệ tương lai một môi trường giáo dục phát triển toàn diện nhất. Để các đơn vị trường học nắm rõ việc xây dựng mô hình THHP, nhiều hội thảo đã được triển khai, cụ thể như: Xây dựng THHP theo mô hình UNESCO, Sứ mệnh của hiệu trưởng trong xây dựng THHP, thày cô thay đổi hướng tới THHP, nghệ thuật đồng hành cùng phụ huynh xây dựng THHP.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, các cơ sở giáo dục đạt được các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng THHP, ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương trên cả nước đã chỉ đạo các nhà trường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như công tác tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giáo dục, tăng cường giáo dục kỹ năng, tạo dựng môi trường ứng xử lành mạnh, đề cao sự chia sẻ yêu thương, từ đó lan tỏa được những giá trị tích cực đến mọi người cũng là lan tỏa ý nghĩa của THHP.
Nhìn chung, các trường học đã thực hiện xây dựng mô hình THHP bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi trường; tích cực huy động các nguồn lực xã hội để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo điều kiện dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn, chất lượng, hiệu quả, cùng chung tay xây dựng THHP với các giá trị cốt lõi: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Việc xây dựng THHP là quyết tâm lớn, đã truyền đi những tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và hiện thực hóa khát vọng bồi đắp cho thế hệ tương lai những giá trị chân chính.
Hiện nay, trường học đã bước đầu hoàn thiện được tiêu chí Trường học có tình yêu thương. Tiêu chí Trường học an toàn được các cấp quản lý chú trọng triển khai thực hiện, phản ánh xu hướng gần đây của công tác quản lý và tổ chức hoạt động ở các cơ sở giáo dục, luôn hướng tới việc tạo lập môi trường an toàn cho học sinh. Nội dung an toàn trường học được triển khai toàn diện, bao gồm an toàn trong các hoạt động dạy – học và an toàn về thông tin – nhận thức và an toàn về cảm xúc tác động đến học sinh.
Những hạn chế tồn tại
Một trong những giá trị văn hóa, mục tiêu hướng đến của THHP là sự an toàn cho thày và trò. Tuy nhiên hiện nay, không ít những yếu tố phản văn hóa đang từng ngày, từng giờ thâm nhập vào trường học. Các trào lưu tư tưởng, lối sống phức tạp, lệch lạc tác động đến môi trường sư phạm qua các công cụ mạng xã hội. Các tệ nạn xã hội như ma túy, bạo lực học đường đang len lỏi vào thế hệ trẻ. Một số nhà trường xuất hiện những hành vi thiếu văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử của cán bộ quản lý, giáo viên và các bậc phụ huynh; thậm chí là sự suy thoái đạo đức, nhân cách của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục. Điều này trực tiếp gây ra tâm lý hoài nghi, mất niềm tin vào giáo dục, suy giảm quan hệ tốt đẹp giữa thày trò, gia đình và nhà trường, ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh.
Theo thống kê từ năm 2011 đến hết năm 2018, cả nước xảy ra 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan đến cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên với 32.418 đối tượng và 15.757 người là nạn nhân. Trong đó, phần lớn vụ việc là đánh nhau gây thương tích, chiếm 64,01%, uy hiếp tinh thần chiếm 4,92%, xâm hại tình dục chiếm 1,37% và các hình thức khác chiếm 26,9%. Trong tổng số 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường giai đoạn 2011-2018, có 251 đối tượng là nhà giáo (chiếm 0,77%) và 163 cán bộ quản lý (chiếm 0,5%) (4).
Trường học là nơi vun đắp tình yêu thương, song vẫn còn tình trạng bạo hành do giáo viên thực hiện với học sinh cả về thể xác lẫn tinh thần, với hình thức phổ biến là đánh đập, chửi mắng, đe dọa, đay nghiến, dày vò tinh thần trẻ, tạo áp lực trong học tập đối với trẻ. Cả hai dạng bạo hành này đang diễn ra khá phổ biến ở các trường học và đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tính cách và lối ứng xử của trẻ.
Theo kết quả nghiên cứu Thực trạng sức khỏe tinh thần trẻ em ở thành phố Hồ Chí Minh – Các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thực hiện, khi được hỏi “Em có sợ thày cô giáo không?” có đến 95/198 (chiếm 48%) học sinh trả lời sợ thày cô giáo của mình. Một nghiên cứu khác của Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục tại TP.HCM cho thấy, không ít học sinh bị sang chấn tâm lý do bị thày cô quát mắng (5). Trường học là nơi học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến lớp, tuy nhiên, việc thày cô gây ra áp lực khiến học sinh phải sợ, chứng tỏ rằng một số trường học hiện nay đang là một nơi gây áp lực đối với chính học sinh của mình. Đây là yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các em.
Xem thêm: Tam Giác Đồng Dạng & Các Trường Hợp Đồng Dạng Của Tam Giác
3. Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng VHNT hướng tới THHP
Nâng cao nhận thức về xây dựng VHNT hướng tới THHP
Xây dựng VHNT hướng tới THHP, trước hết cần nâng cao nhận thức của đội ngũ thày cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. Từ đó định hướng hành vi, cách ứng xử của các lực lượng sư phạm với học sinh theo định hướng “lấy người học làm trung tâm” với chủ trương “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thực tế cho thấy, với mỗi nhà trường, nếu các lực lượng sư phạm có nhận thức tốt về THHP, chất lượng giáo dục và thương hiệu của nhà trường được lan tỏa trong cộng đồng và được xã hội ghi nhận.
Để nâng cao nhận thức cho các lực lượng sư phạm có liên quan trong việc tạo lập các giá trị của VHNT hướng tới THHP, các cấp, ngành có liên quan cần đẩy mạnh truyền thông thông điệp về THHP tới mọi đối tượng, tập trung trước hết ở giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Thông qua các hoạt động tọa đàm, hội thảo, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn, như: “Dạy tốt – Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thày cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”. Từ trong mỗi hoạt động cụ thể này, các giá trị văn hóa của một THHP được ghi nhận và phát huy, gây ảnh hưởng lớn đến nhận thức của mỗi cá nhân có liên quan.
Quan tâm xây dựng các giá trị VHNT theo tiêu chí THHP
Để xây dựng mô hình THHP, tiêu chí đầu tiên mà mỗi cơ sở giáo dục phải tạo ra là sự an toàn cho người học, tức là người học được sống, học tập trong môi trường lành mạnh, đậm tính nhân văn, dân chủ. Nhà trường cần phối hợp tốt với chính quyền, công an địa phương để kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi phản văn hóa từ bên ngoài tấn công, xâm nhập vào nhà trường. Điều đặc biệt quan trọng với mỗi cơ sở giáo dục là phải tạo được sự an nhiên trong tâm hồn mỗi người học bằng những tri thức, kỹ năng sống mà thày cô cung cấp, chia sẻ. Những bài học từ sách vở, từ kinh nghiệm sống của thày cô sẽ tạo sức đề kháng, là lá chắn vững chắc để người học tự tin, chủ động trong ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra theo hướng an toàn, phù hợp.
Thực hành dân chủ trong trường học là một biện pháp quan trọng cần được triển khai thực hiện ở mỗi cơ sở giáo dục. Mục đích là làm cho người dạy, người học đều ý thức rõ về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với những người xung quanh, với cơ quan, tổ chức. Thực hành dân chủ học đường rộng rãi và thực chất là cơ sở để phát huy tinh thần chủ động, tích cực tranh luận, trao đổi của người học, ghi nhận những ý tưởng độc đáo, mới lạ, tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán. Khi con người được tôn trọng, được đối xử bình đẳng với những sáng kiến cá nhân được lắng nghe sẽ là động lực lớn để người học vươn lên khẳng định mình và sẽ có nhiều cống hiến cho xã hội.
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường theo tiêu chí THHP để điều chỉnh hành vi
Mục tiêu chung của giải pháp này là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Biện pháp này góp phần tạo lập các chuẩn mực về đạo đức và ứng xử của cán bộ, nhà giáo khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với đồng nghiệp, với học sinh, với phụ huynh học sinh và trong quan hệ xã hội. Đây cũng là căn cứ để nhà trường xử lý trách nhiệm khi cán bộ, viên chức vi phạm các chuẩn mực đạo đức và xử sự trong thực hiện nhiệm vụ, trong các mối quan hệ công tác, đồng thời là căn cứ để đánh giá, xếp loại và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, viên chức.
Quá trình xây dựng các bộ quy tắc ứng xử cần tuân thủ những quy định pháp luật hiện hành, cụ thể như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025; Chỉ thị 1737/CT-BGD-ĐT ngày 7-5-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Trong quá trình lên kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động xây dựng bộ quy tắc ứng xử, Ban Giám hiệu các trường học phải bám sát vào các tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra: “Yêu thương – An toàn – Tôn trọng”. Công đoàn các nhà trường cần xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của bộ quy tắc ứng xử đảm bảo tính hiệu quả đến từng cán bộ, giáo viên. Có giải pháp động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo; ngăn chặn các biểu hiện và hành vi vi phạm các quy định của ngành, pháp luật của Nhà nước.
Xem thêm: Đáp án chi tiết đề thi Ngữ Văn THPT Quốc gia năm 2019
4. Kết luận
Xây dựng VHNT theo tiêu chí của THHP là một định hướng lớn của ngành Giáo dục trong tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Những giá trị văn hóa của THHP không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực thúc đẩy, định hướng các lực lượng sư phạm cũng như toàn xã hội hành động vì một môi trường giáo dục “An toàn – Yêu thương – Tôn trọng”. Học sinh là thế hệ kế cận, là tương lai của nước nhà. Việc kiến tạo hạnh phúc cho trong mỗi nhà trường không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà về lâu dài, nó góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp trong mỗi con người, sẵn sàng làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân.
_____________
1. Nguyễn Hữu Thiệp, Xây dựng văn hóa nhà trường hiện nay, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2018, tr.55.
2. Trần Hồng Quân, Văn hóa nhà trường, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.25.
3. Công đoàn giáo dục Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”, congdoangdvn.org.vn, 23-4-2019.
4. Việt Hà, Bạo lực học đường: Chuyện không chỉ riêng của Việt Nam, vietnamplus.vn, 24-4-2019.
5. Hồ Thị Luấn, Mai Thị Quế, Bạo hành trẻ em trong nhà trường, nguyên nhân và một số giải pháp phòng ngừa, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, 2018, tr.4.
Ths PHẠM THỊ THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022
Bản quyền nội dung thuộc Nhất Việt Edu
Bài viết liên quan